Ngoài ưu tiên quỹ đất cho khu công nghiệp, Bình Dương từng bước hoàn thiện hạ tầng phụ trợ như trường học, khu thương mại, giải trí tạo hệ sinh thái để thu hút nhà đầu tư.

Thủ phủ công nghiệp Đông Nam Bộ chuyển mô hình phát triển từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Cùng với quá trình chuyển đổi, tỉnh định hướng xây dựng mô hình khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Trong đó, các khu công nghiệp sẽ gắn liền với khu đô thị, thương mại, dịch vụ giải trí chất lượng cao, khu dân cư và tái định cư... Việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ thành hệ sinh thái hoàn chỉnh được địa phương xác định là chiến lược thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC, ngoài những yếu tố về hạ tầng, chính sách hỗ trợ, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ, EU rất quan tâm tới những khu bền vững. Trong đó, hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp như hệ thống giáo dục, y tế, khu nhà ở dành cho lao động, khu tiện ích phục vụ cuộc sống là yếu tố được chú trọng. Lãnh đạo của doanh nghiệp cho rằng muốn đón ông lớn đến đầu tư, các khu công nghiệp tại Bình Dương cần nâng cấp lên chuẩn mới, theo nhu cầu của thời đại.

Để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp FDI, Bình Dương đang quy hoạch thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 10.200 ha. Trước mắt, địa phương này ưu tiên hoàn thiện các khu công nghiệp như Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP III... Tỉnh cũng nâng cấp, mở rộng thêm các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Vành đai 3, Vành đai 4 và nhiều tuyến đường khác để tăng kết nối khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 4 thành phố và 1 thị xã. Tỉnh cũng là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Toàn tỉnh hiện có 64.631 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đầu tư 702.000 tỷ đồng. Hơn 4.100 dự án FDI từ 65 quốc gia đổ vào Bình Dương, tổng vốn 40,2 tỷ USD.

Theo các nhà đầu tư, thế mạnh của địa phương Đông Nam Bộ là quy hoạch khá tốt, hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Tỉnh luôn có định hướng kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn... Các khu công nghiệp được định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao, có hệ sinh thái hoàn thiện, bền vững.

Tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 91%, thuộc nhóm cao nhất nước. Thời gian tới, Bình Dương định hướng thu hút các ngành nghề khoa học kỹ thuật, mang lại giá trị thặng dư cao. Tỉnh còn muốn xây khu công nghiệp chuyên về khoa học công nghệ, nằm trong đề án "Thành phố thông minh".

Nguồn: Hoài Phương (vnExpress.net)

Chia sẻ:
0 Bình luận

Đăng bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Bạn phải nhập vào các ô có dấu *