Dù nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk, nhưng do thiếu quỹ đất ở các khu, cụm công nghiệp nên việc thu hút đầu tư vào tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Việc tháo gỡ vướng mắc trong mở rộng và xây mới các khu, cụm công nghiệp ở Đắk Lắk đang trở thành vấn đề rất cấp bách.
Thiếu quỹ đất cho doanh nghiệp
TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đang trở thành cực hút đầu tư của doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Địa phương này có vùng nguyên liệu lớn về nông sản, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mía, sắn, lúa gạo... Điều này mở ra lợi thế không nhỏ cho Đắk Lắk tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk thu hút hơn 221 dự án đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 6.400 lao động.
Tuy vậy, việc mở rộng KCN Hoà Phú vẫn chưa được thực hiện, trong khi đó KCN Phú Xuân lại đang chờ phê duyệt. Một số cụm công nghiệp khác lại có những vấn đề về hạ tầng, xử lý nước thải nên chưa được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Ông Hoàng Thanh Tùng – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Nam Kar, cho biết trong 2 năm qua, Công ty “đỏ mắt” tìm thuê đất ở KCN trong thành phố Buôn Ma Thuột để tiện cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa tìm được, buộc phải gác lại chuyện chế biến sâu.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Anh Quốc cho biết “Khi chúng tôi đầu tư sản xuất, kinh doanh thì phải chọn vị trí thuận lợi để dễ dàng bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa. Nếu vị trí không thuận lợi thì rất khó để thực hiện mở rộng sản xuất, đâu phải cứ đất KCN là được”.
Chính điều này đang tạo nên sức ép về mở rộng quỹ đất và hạ tầng KCN ở thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Theo ông Trương Hồ Anh Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang thiếu quỹ đất, nhiều doanh nghiệp cũng đang có nguyện vọng đầu tư vào tỉnh ở nhiều lĩnh vực quan trọng, nhưng vẫn chưa thể giải quyết ngay được.
Cần sớm có giải pháp tháo gỡ
Việc gỡ khó cho hạ tầng KCN ở Đắk Lắk đã có một số tín hiệu tích cực hơn khi cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư để xây dựng KCN Phú Xuân trên địa bàn tỉnh. Và trong đầu tháng 3/2024, Ban Quản lý các KCN của tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để khi Trung ương cho phép sẽ tiến hành xây dựng ngay KCN Phú Xuân.
Tuy nhiên, nếu xây dựng thêm KCN Phú Xuân cũng mới chỉ bổ sung một phần quỹ đất cho thuê trong các KCN ở Đắk Lắk. Do đó, chính quyền tỉnh cần sớm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư KCN, đồng thời đẩy mạnh triển khai xây dựng các KCN khác đã được quy hoạch.
Ông Bùi Văn Từ - Trưởng ban Quản lý các KCN của tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt thì trên địa bàn tỉnh được quy hoạch có 05 KCN. Trong đó, KCN Hòa Phú đã được lấp đầy; phần mở rộng của KCN Hoà Phú và KCN Phú Xuân đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ba KCN còn lại được thực hiện đến 2050 là KCN M’ Đrắk, diện tích quy hoạch 300ha tại xã Krông Á, huyện M’Đrắk; KCN Ea Kar, diện tích quy hoạch 480ha tại xã EaTih, huyện EaKar; KCN Ea H’leo diện tích quy hoạch 400ha, tại xã Ea H’leo, Huyện Ea H’leo.
“Đối với các dự án đầu tư KCN mới, mở rộng, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng để đảm bảo các tiện ích trong KCN để dễ dàng thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp”, ông Bùi Văn Từ cho biết.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, tỉnh ủy Đắk Lắk cũng cần chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan phối hợp giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến KCN Hòa Phú nói riêng và các khu cụm công nghiệp trên địa bàn nói chung; kiên quyết thu hồi với những dự án KCN chậm triển khai, sử dụng đất công nghiệp sai mục đích; đồng thời sớm ban hành các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư vào KCN, ưu tiên các dự án công nghệ, có hàm lượng khoa học, đầu tư lớn.
Nguồn bài viết: diendandoanhnghiep.vn
Đăng bình luận